Cấy ghép gan từ người hiến tạng còn sống Cấy ghép gan

Cấy ghép gan từ người hiến tạng còn sống là một kĩ thuật ra đời trong một vài thập kỉ trở lại đây, xuất phát từ khả năng tự tái tạo của lá gan người cũng như sự thiếu hụt gan từ người hiến tạng đã chết. Trong kĩ thuật này, một phần lá gan khỏe mạnh được tách ra khỏi cơ thể của người hiến tạng và cấy ghép vào cơ thể của bệnh nhân, ngay sau khi lá gan ban đầu của bệnh nhân đã được loại bỏ hoàn toàn.

Phẫu thuật cấy ghép gan từ người hiến tạng còn sống bắt nguồn từ việc bố mẹ có con nhỏ mắc bệnh gan hiến một phần lá gan khỏe mạnh của mình để thay thế toàn bộ lá gan của con. Kĩ thuật này được thực hiện thành công lần đầu tiên vào năm 1989 bởi bác sĩ Christoph Broelsch tại Trung tâm Y tế Viện Đại học Chicago.[4] Sau đó các nhà giải phẫu nhận ra rằng cấy ghép gan từ người hiến tạng còn sống cũng có thể được thực hiện trên bệnh nhân là người trưởng thành và hiện nay kĩ thuật này đã trở nên phổ biến tại một số cơ sở y tế. Ca cấy ghép gan từ người hiến tạng còn sống không có quan hệ gì với bệnh nhân đầu tiên được thực hiện vào năm 2012 tại bệnh viện Trường Đại học Thánh James, Anh.[5]

Thông thường, từ 55% đến 70% lá gan của người hiến tạng được sử dụng để cấy ghép đối với bệnh nhân là người trưởng thành.[6] Ở hầu hết những người hiến tạng khỏe mạnh, tối đa 70% lá gan có thể được tách ra khỏi cơ thể mà không gây nguy hiểm gì. Lá gan của người hiến tạng sẽ tự tái tạo và phục hồi chức năng bình thường trong 4–6 tuần, cũng như đạt kích thước và cấu tạo ban đầu không lâu sau đó. Quá trình tái tạo ở bệnh nhân được cấy ghép thì mất nhiều thời gian hơn.[7]

Kĩ thuật này được đánh giá là phức tạp hơn so với cấy ghép toàn bộ lá gan, đồng thời tiềm ẩn vấn đề về đạo đức khi một cuộc đại phẫu được thực hiện trên cơ thể người khỏe mạnh. Trong nhiều trường hợp, người hiến tạng phải chịu 10% nguy cơ biến chứng, và đôi khi phải cần đến một cuộc phẫu thuật thứ hai. Các biến chứng thường gặp bao gồm rò mật, nhiễm trùng và tắc nghẽn mạch máu. Tỉ lệ tử vong ở người hiến tạng là 0% tại Nhật Bản, 0,3% tại Mỹ và thấp hơn 1% tại châu Âu.[8] Ngoài ra, hệ miễn dịch của người hiến tạng cũng sẽ bị suy giảm trong quá trình gan tự tái tạo.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cấy ghép gan http://ir.lib.uwo.ca/cgi/viewcontent.cgi?article=1... http://icd9cm.chrisendres.com/index.php?srchtype=p... http://www.innovations-report.com/html/reports/med... http://www.nature.com/nm/journal/v20/n7/full/nm.35... http://vitals.nbcnews.com/_news/2013/03/15/1732776... http://www.reachmd.com/xmsegment.aspx?sid=1675 http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S... http://www.universitytransplantcenter.com/files/Li... http://www.journal-of-hepatology.eu/article/S0168-... //www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/12387959